Hỗ trợ bê giống cho nạn nhân chất độc da cam tại huyện Phù Cừ |
Đến thăm gia đình ông Vũ Trọng Điếm ở thị trấn Ân Thi (Ân Thi) chúng tôi thấu hiểu hơn nỗi đau mà chiến tranh để lại. Từng là một người lính tham gia quân ngũ năm 1970, chiến đấu tại chiến trường miền Nam, chưa bao giờ ông có thể ngờ được gánh nặng dai dẳng mà bản thân ông và các con phải mang đến tận ngày hôm nay. Năm nay ngoài 70 tuổi, vậy mà ông vẫn chưa có giây phút nào được thảnh thơi. Là thương binh nhưng hàng ngày ông Điếm phải dồn sức chăm sóc 2 người con bị di chứng nặng nề từ chất độc da cam. Nhìn người con trai trên 40 tuổi mà tất cả mọi sự vận động đi lại, ăn uống không bằng đứa trẻ. Ông Điếm nghẹn ngào: Nỗi đau về thể xác tôi có thể vượt qua nhưng nỗi đau về tinh thần quá lớn. Sức khỏe tôi mỗi ngày một yếu, chẳng biết rồi mai sau khi tôi khuất núi các con tôi sẽ ra sao, vì các con hoàn toàn phụ thuộc vào tay tôi chăm sóc.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 5.500 nạn nhân chất độc da cam, người nhiễm trực tiếp gần 3.600 người. Đặc biệt, trong đó có trên 500 hộ có 2 nạn nhân bị dị dạng, dị tật; 800 gia đình có từ 2 đến 3 người con đều là nạn nhân chất độc da cam. Các nạn nhân đang được hưởng chế độ dành cho nạn nhân chất độc da cam theo từng mức độ thương tật được Nhà nước quy định. Trên thực tế, hầu hết các gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhất là về kinh tế. Vì vậy, để tạo điều kiện ổn định đời sống cho các gia đình nạn nhân, ngoài việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể và Nhân dân trong tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa. Riêng năm 2021, toàn tỉnh đã vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam được gần 6 tỷ 470 triệu đồng từ các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm và các tầng lớp Nhân dân. Từ nguồn kinh phí này, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 5.354 lượt nạn nhân chất độc da cam bằng các hình thức như: Xây nhà Chữ thập đỏ, sửa nhà, tặng bê sinh sản, tặng sổ tiết kiệm, tặng vật dụng sinh hoạt, khám bệnh và cấp thuốc cho các nạn nhân chất độc da cam…
Với sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, những nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh dẫu hằng ngày vẫn đang đối diện với nỗi đau nhưng trong cuộc sống đã được sẻ chia bằng những việc làm thiết thực, bằng tình người ấm áp, góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau, mất mát trong họ. Đầu năm 2022, bà Trần Thị Hải Yến, nạn nhân chất độc da cam tại xã Hải Triều (Tiên Lữ) được các cấp, các ngành hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới. Xúc động trước sự giúp đỡ của mọi người, bà Yến chia sẻ: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp uỷ đảng, chính quyền, tôi có chỗ ở vững chắc, ổn định. Đây là động lực giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.
Giúp nạn nhân chất độc da cam thêm tin yêu vào cuộc sống, xoá dần những mặc cảm tự ti, vươn lên hoà nhập với cộng đồng, hàng năm, Ban vận động xây dựng Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam các cấp còn trích kinh phí mua bê sinh sản, con giống, hỗ trợ tư liệu sản xuất cho gia đình nạn nhân chất độc da cam.
Cố gắng vượt qua nỗi đau bằng tinh thần nghị lực và tình yêu cuộc sống nhưng trong thực tế gia đình các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh vẫn phải đối mặt với những khó khăn về vật chất và tinh thần. Nạn nhân chất độc da cam và người thân của họ vẫn cần sự chung tay giúp đỡ nhiều hơn nữa của các tổ chức, cá nhân để cuộc sống bớt đi những khó khăn, vất vả. Quan tâm, chăm lo nạn nhân chất độc da cam và gia đình của họ không chỉ là việc làm của cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội mà cần có trong suy nghĩ, trong nhận thức và hành động của toàn xã hội.
Phương Thảo
Link bài gốc
https://baohungyen.vn/xa-hoi/202204/hung-yen-chung-tay-xoa-diu-noi-dau-da-cam-04f6509/